Sống trong một căn hộ tại tầng 20 của tòa chung cư cao cấp giữa Hà Nội, nhưng anh Thành Nam, 28 tuổi luôn cảm thấy khó chịu vì cái thang máy. Tòa nhà cao 27 tầng, mỗi tầng gồm 10 căn hộ, nhưng cả tòa nhà chỉ có 3 cái thang máy.
Tuy nhiên, tuần có 7 hôm, thì 5 hôm có ít nhất một cái thang máy trong diện đang phải bảo trì không dùng được. Mỗi lần thang máy bảo trì, giờ đi làm của anh Nam và các cư dân khác xáo trộn, bởi thang máy giờ cao điểm đông nghịt người.
“Nói ra chẳng ai tin, nhưng nhiều ngày trong tuần mình muộn giờ làm vì đợi thang máy. Chưa kể, có nhiều lúc đang đi thang máy hỏng, dừng lại, khiến cư dân thót tim”, anh Nam chia sẻ
Không chỉ các cư dân tại tòa nhà của anh Nam, cư dân tại Khu đô thị mới Đại Kim cũng kêu khổ vì thang máy.
Khu đô thị này đưa vào sử dụng từ năm 2010, do Công ty TNHH Quản lý, nhà và đô thị CTP số 5 xây dựng và trực tiếp quản lý. Khu chung cư gồm 1 tòa 9 tầng và 2 tòa 12 tầng, mỗi tòa nhà được trang bị 2 thang máy. Với thiết kế này, các tòa nhà đảm bảo tốt khả năng sinh hoạt, đi lại của cư dân. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, mỗi tòa nhà chỉ sử dụng được 1 thang máy, cái còn lại bị ban quản lý đóng cửa để “làm cảnh”, không cho người dân sử dụng.
Chỉ được sử dụng 1 tháng máy trong tòa nhà 12 tầng khiến sinh hoạt của người dần gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, chiếc thang máy này cũng thường xuyên hỏng khiến cuộc sống của người dân càng đảo lộn và mệt mỏi.
Còn với cư dân sống tại Chung cư CT1A Định Công, khi nhắc đến thang máy, người dân lại hoảng sợ, không chỉ kêu kẽo kẹt như tiếng võng và những lần nhốt người, bỏ tầng, thậm chí đứt cáp diễn ra như cơm bữa.
Bức xúc trước tình trạng này, người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chủ đầu tư và đơn vị quản lý là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp dịch vụ quản lý và khai thác nhà Hà Nội. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những gì họ nhận được chỉ là sự im lặng.
Ông Trần Toàn, Tổ trưởng Tổ dân phố 30A, Tòa nhà CT1A cho biết: "Ở đây chủ yếu là dân tái định cư và những người có công với Cách mạng. Đa phần họ đã có tuổi, khi chứng kiến cảnh thang máy bị đứt cáp, những người già không dám đi nữa".
Cấn ý thức và đạo đức của chủ đầu tư
Với các tòa nhà cao tầng, “hệ thống giao thông đứng” với phương tiện chủ yếu là thang máy rất quan trọng, góp phần tạo nên chất lượng của công trình.
Tuy nhiên thực tế, hiện có nhiều chung cư có mật độ thang máy rất thấp so với số căn hộ gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông trong chính căn chung cư đó. Bên cạnh mật độ thấp, ảnh hưởng tới thời gian di chuyển của cư dân, thì một điều đáng lo hơn là chất lượng của thang máy, bởi nó nó ảnh hưởng tới tính mạng con người.
Theo quy định, lắp đặt thang máy cho các tòa nhà, chung cư đều phải có quy chuẩn và có đơn vị thẩm định chất lượng. Định kỳ phải có các đơn vị kỹ thuật chuyên ngành thang máy kiểm tra, bảo trì tối thiểu một lần/2 tháng.
Do đó, việc trang bị thang máy chất lượng sẽ đảm bảo chất lượng công trình, đem đến cho cư dân cuộc sống an toàn, chất lượng, qua đó sẽ giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của chủ đầu tư để phát triển trong dài hạn.
Nguồn: baomoi.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét